Các giải pháp

Danh mục sản phẩm

Giới thiệu

Sản phẩm nổi bật

Tin tức nổi bật

Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ương hai giai đoạn

Ngày đăng 21/05/2024

Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ương hai giai đoạn

1. Thiết kế hệ thống khu nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn

Khu nuôi được thiết kế như hình 1, gồm: 01 ao lắng thô, 01 ao lắng tinh, 01 ao ương, 02 ao nuôi, 01 mương cấp nước, 01 mương xả nước, khu chứa nước thải và các công trình phụ trợ.

 

 


Hình 1. Sơ đồ thiết kế hệ thống ao cho khu nuôi tôm có diện tích trên 1ha

Chú thích:

– Ao lắng thô: lấy nước từ mương cấp qua ống lọc có gắn túi lọc 02 lớp, dùng để trữ nước và tự làm sạch tự nhiên,… bảo đảm hạn chế tối đa các mầm bệnh từ nguồn nước cấp. Ao lắng thô được bố trí cạnh mương cấp nước; có độ sâu từ 2-3m (tùy điều kiện thổ nhưỡng) và diện tích chiếm khoảng 20% tổng diện tích khu nuôi.

– Ao lắng tinh: lấy nước từ ao lắng thô qua ống lọc có gắn túi lọc 02 lớp, dùng để trữ nước và tự làm sạch tự nhiên,… bảo đảm hạn chế tối đa các mầm bệnh từ nguồn nước cấp. Ao lắng tinh được bố trí cạnh ao lắng thô, được lót bạt (nếu có điều kiện), có diện tích và độ sâu như ao lắng thô.

– Ao ương: lấy nước từ ao lắng tinh qua ống lọc có gắn túi lọc 02 lớp, dùng để   ương tôm từ giai đoạn post 10-12 đến khi tôm đạt kích cỡ 1.000-2.000 con/kg. Ao ương được bố trí cạnh ao lắng tinh; có độ sâu từ 1,5-1,8m (tùy điều kiện thổ nhưỡng); đáy ao được thiết kế bằng mặt bờ của ao nuôi; có hệ thống ống sang tôm, hệ thống oxy đáy, hệ thống quạt nước, hệ thống lưới che; được lót bạt đáy và bạt bờ; diện tích chiếm khoảng 5% tổng diện tích ao nuôi hoặc 10% của 01 ao nuôi.

– Ao nuôi: lấy nước từ ao lắng tinh qua ống lọc có gắn túi lọc 02 lớp, dùng để   nuôi tôm thương phẩm. Vị trí ao nuôi được bố trí cạnh ao ương và không quá xa ao lắng tinh. Ao có độ sâu từ 1,5-2,0m (tùy điều kiện thổ nhưỡng); được lót bạt đáy và bờ; có hệ thống oxy đáy, hệ thống quạt nước, máy cho ăn tự động (nếu có); hệ thống siphon. Diện tích ao chiếm khoảng 30% tổng diện tích khu nuôi (diện tích mỗi ao nuôi có thể từ 1.000-6.000m2).

– Hệ thống quạt nước: được đặt cách bờ ao từ 1,5-2,0m; khoảng cách giữa 02 bộ cánh quạt từ 50-60cm, lá quạt giữa các bộ cánh quạt được lắp so le. Số lượng quạt phụ thuộc vào mật độ nuôi, chủng loại quạt (xem hướng dẫn tại Bảng 1).

Bảng 1. Bảng hướng dẫn sử dụng số lượng quạt cho ao nuôi (áp dụng cho ao nuôi có diện tích từ 2.000-3.000m2)

Mật độ
(con/m2)
Số lượng dàn quạt Oxy vỉ
hoặc Oxy đĩa
Ghi chú
100-150 4 dàn (10 cánh/dàn) 50-70 – Tốc độ quạt từ 100 – 120 vòng/phút.
– Chiều dài ống vỉ 2m
150-200 4 dàn (15 cánh/dàn) 80-120
200-250 4-6 dàn (15 cánh/dàn) 120-200
250-300 4-6 dàn (15 cánh/dàn) 200-250

– Hệ thống mương cấp và xả nước:

– Mương cấp nước: được bố trí gần nguồn nước và ao lắng thô; có vị trí lắp đặt máy bơm thuận lợi cho việc cấp nước vào ao lắng thô.

– Mương xả nước: được bố trí gần ao nuôi và ao ương; có vị trí đặt máy bơm thuận lợi cho việc xả nước; dùng xả nước ao nuôi, ao ương trong trường hợp xử lý ao, ao tràn bờ do mưa,…; nước trong mương xả được bơm về ao lắng thô. Bùn thải qua các ống siphon được đưa về ao chứa chất thải và được xử lý theo quy định trước khi thải ra môi trường.

– Hệ thống ống sang tôm: ống nhựa, đường kính từ 200-314mm; ống sang tôm được lắp đặt cố định, nghiêng theo chiều từ đáy ao ương sang ao nuôi nhằm đảm bảo tôm được sang hết sau khi ương.

– Hệ thống oxy đáy, hệ thống siphon: Hệ thống oxy đáy được lắp sát với đáy ao ương và ao nuôi với số lượng được nêu tại Bảng 1. Hệ thống shiphon bao gồm nhiều đoạn ống nhựa PVC được nối lại với nhau thành dụng cụ có hính chữ T, được bịt kín hai đầu, khoan lỗ nhỏ (đảm bảo tôm không lọt qua lỗ) và nối với hệ thống bơm để hút các chất bùn thải ra ngoài thông qua đầu đẩy của bơm.

– Ống lọc nước: ống bằng nhựa, dùng túi lọc 2 lớp có bán sẵn trên thị trường (gas thái hoặc vải kate). Ống lọc có chiều dài từ 10-15m, đường kính từ 25-30 cm đường kính 25-30cm; được lắp cố định vào đầu ra của hệ thống ống bơm; dùng để lọc nước từ mương cấp nước và ao lắng thô, từ ao lắng thô vào ao lắng tinh, từ ao lắng tinh vào ao ương và ao nuôi.

–  Khu chứa chất thải: Nhằm đảm bảo chất thải trong quá trình nuôi được xử lý phù hợp trước khi thải ra môi trường. Chất thải sau khi được gom về Ao chứa nước thải, sẽ được xử lý bằng vi sinh và được kiểm tra các chỉ tiêu phù hợp với quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia số 02 – 19:2014/BNNPTNT về cơ sở nuôi tôm nước lợ – Điều kiện đảm bảo vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

–  Công trình phụ trợ: như khu chứa nguyên vật liệu (có mái che, khô ráo, thông thoáng; ngăn được côn trùng và động vật gây hại); khu vực chứa xăng dầu (đảm bảo tách biệt, không rò rỉ ra khu vực xung quanh); khu sinh hoạt và vệ sinh cho người lao động.

2. Tôm giống và phương pháp ương  tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn

– Chọn tôm giống:

+ Trong nuôi tôm, chất lượng tôm giống là yếu tố quyết định thành công của vụ nuôi. Do vậy, muốn tôm giống thả nuôi có chất lượng đảm bảo cần chọn ở các cơ sở có uy tín, xuất xứ nguồn gốc rõ ràng.

+ TTCT giống phải đảm ứng các yêu cầu cảm quan như: Tôm có chiều dài > 0,8 cm (PL10 – 12), kích cỡ đồng đều, tỷ lệ chênh lệch đàn < 5%, phụ bộ tôm hoàn chỉnh, không dị tật và khả năng bơi ngược dòng tốt. Sau đó, đem tôm giống xét nghiệm đảm bảo âm tính với các bệnh nguy hiểm như: Bệnh còi, đốm trắng, đầu vàng, hoại tử gan tụy cấp tính, Taura.

– Phương pháp ương tôm giống:

– Sau khi ao ương đã chuẩn bị hoàn tất, tiến hành ương với mật độ ương phổ biến 100 – 150 con/m2. Thả tôm giống vào thời điểm sáng sớm, thời tiết thuận lợi không ảnh hưởng của mưa bão, nắng nóng kéo dài.

+ Trong thời ương cần tăng cường quản lý, chăm sóc tôm nuôi, theo dõi các yếu tố môi trường ao ương (ôxy hòa tan, pH, nhiệt độ, độ kiềm, độ mặn…) hằng ngày để kịp thời xử lý hiệu quả. Theo dõi khả năng tiêu tốn thức ăn của tôm để điều chỉnh cho phù hợp, thông thường lượng thức ăn cho ngày đầu 1,5 – 2 kg/100.000 post, sau đó tăng 300 – 700 g/ngày.

+ Định kỳ sử dụng vôi CaCO3 liều lượng 10 – 15 kg/100 m3 kết hợp tạt vi sinh cho ao ương, khoáng để ổn định các yếu tố môi trường ao ương.

3. Chăm sóc, quản lý sau khi san nuôi  tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn

 

– Trước khi san cần lưu ý kiểm tra môi trường cả hai ao (ao ương và ao san) đảm bảo sự tương đồng các thông số: độ mặn, pH, độ kiềm, ôxy hòa tan… nhằm hạn chế gây sốc cho tôm nuôi. Ao san cần được diệt khuẩn, gây màu, đảm bảo màu nước, độ trong, các yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng thích hợp cho tôm sinh trưởng và phát triển tốt.

– Sau khi ương được 30 – 40 ngày, tiến hành san ra ao nuôi. Khuyến cáo tiến hành san thưa trong những ngày thời tiết thuận lợi, tốt nhất san thưa vào chiều tối. Thông thường có hai cách san tôm từ ao ương san ao nuôi là đào mương cho tôm tự qua và chày tôm chuyển sang.

– Quản lý tốt việc cho tôm ăn trong quá trình nuôi, thông thường cho ăn từ 4 cữ/ngày, cho tôm ăn theo nguyên tắc “ngày nhiều, đêm ít” với tỷã lệ 6:4. Trong những ngày thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, tôm đang lột xác… giảm lượng thức ăn 30 – 50% lượng thức ăn hằng ngày.

– Hàng ngày quan sát hoạt động bắt mồi và sức khỏe của tôm trong ao, xem biểu hiện bên ngoài của tôm thông qua màu sắc, phụ bộ, thức ăn trong ruột… để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường kịp thời xử lý.

– Trong nuôi thẻ chân trắng, cần độ kiềm > 80 mg/l trở lên bằng cách sử dụng vôi CaCO3 hoặc Dolomite với liều lượng 10 – 15 kg/1.000 m3 kết hợp tạt khoáng cho ao nuôi vào ban đêm 3 – 5 ngày/lần giúp tôm nhanh cứng vỏ và lột xác đồng loạt.

–  Định kỳ 7 – 10 ngày sẽ cấy vi sinh để tăng cường mật độ vi khuẩn có lợi trong ao nuôi. Trường hợp vi khuẩn Vibrio spp cao (sau khi có kiểm tra mẫu nước tại các cơ quan chuyên môn) tiến hành diệt khuẩn ao nuôi trước, sau 1,5 – 2 ngày tạt vi sinh để tạo môi trường thuận lợi cho tôm nuôi sinh trưởng và phát triển.

– Cấp nước bổ sung cho ao nuôi khi thật sự cần thiết vì nếu chất lượng nước không đảm bảo tôm dễ bị sốc. Trường hợp cấp nước bổ sung vào ao nuôi thì nên lấy nước từ ao lắng đã được xử lý cẩn thận và mỗi lần bổ sung 10 – 20% vào sáng sớm hoặc buổi chiều mát.

CÁC TIN TỨC KHÁC BIỆT

0983-952-799